Chúng tôi vừa có một cuộc khảo sát nhỏ trên internet về những trò chơi team building có yếu tố dung tục, phản cảm… thật đáng lo ngại vì trong vòng 2 năm trở lại đây thì những trò chơi team building sử dụng hoạt động về giới tính, 18+… có phần dung tục đã gia tăng. Đáng lo ngại hơn khi những hình ảnh đó được quay lại và chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội. Khi những nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, đã có nhiều luồng bình luận xoay quanh nó. Trong đó có nhiều người phản đối vì sự phản cảm của nó. Những trò chơi phản cảm tiêu biểu như:
– Dập bóng bay: MC yêu cầu nữ cúi người gập vào tựa ghế đẩu, các anh nam trong đội thổi bóng bay rồi chạy lại cô gái đặt bóng bay giữa bụng nam và mông nữ… rồi ép cho bóng nổ.
– Bú bia: Ban tổ chức đổ bia vào bình bú sữa trẻ em, sau đó mời một khách hàng nữ kẹp bình sữa vào nách. Các anh nam trong đội thay nhau bú hết số bia trong bình.
– Truyền người: Cả đội chơi không phân biệt nam hay nữ xếp hàng dọc ngồi trên bãi cát, yêu cầu truyền tay nhau những bạn nữ trong đội. Nhiều góc anh ghi lại được tư thế và hành động ‘đỏ mặt” của nữ nhân vật chính.
Không chỉ dừng lại ở bức ảnh tĩnh, công nghệ đã đưa đẩy hành động này trở nên sống động hơn khi các clip quay lại và phát tán nhanh chóng trên youtube. Không những thế, một số con kền kền truyền thông lấy luôn dữ liệu và đặt những tit hết sức sốc, kích thích như: “Game show như này thì ai mà chả muốn chơi” … “Ăn trái cấm người đẹp giữa bãi biển”… để sau 2 ngày số lượng người xem đã gần 30 ngàn lượt.
Tiếp đó, những trang chia sẻ kiểu như ChatVL, Giaitricuoi… dễ dàng cho thành viên bình luận tự do. Và từ đây, hình ảnh của bạn và công ty bạn đang được mang ra làm trò cười: Con áo đỏ kia, nhìn ngực ngon vãi, Thằng kia bị hai con đấy kẹp, chắc cứng đến tối … Đang cúi nó đánh cho quả bom… Đặc biệt có một lời tâm sự trên một diễn đàn của anh bạn: “tổ mẹ thằng chó MC, nó bắt gấu của mình ăn táo bịt mắt với thằng cùng công ty. Giờ em tính sao các bác, chả lẽ năm nào cũng để gấu của mình bị vui vầy cho chúng nó à?”
Các trò chơi tập thể, team-building bây giờ toàn lấy đề tài 18+ ra để mua vui rẻ tiền. Dẫn trò hay MC toàn lấy vấn đề giới tính mà trêu. Nước ngoài họ còn nhiều cái hay hơn để học, học mấy thứ này chả tiến bộ nổi đâu thưa các bạn trẻ “đã tiến bộ”.
Tại sao những hình ảnh team building không mong muốn này lại xảy ra:
Tâm lý đám đông: Về nguyên tắc đám đông không có tư duy và dễ bị kích động nổi loạn. Do đó, đám đông dễ bị dắt mũi và thực hiện một số hành vi ngớ ngẩn. (điều này biểu hiện rõ nét trong hội thảo kinh doanh đa cấp). Người trong đám đông không có ý muốn làm ngược lại sự điều hành của MC. Thêm vào sự cổ vũ của đám đông, nhạc sôi động, bối cảnh cuộc đua, luật của trò chơi… dễ đưa người ta (nếu không vững vãng bản lĩnh) dễ dàng biểu hiện những hành vi không ổn, mua vui cho cuộc chơi. Do đó, chúng tôi kêu gọi, những anh chị em nào làm MC team building cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Không lạm dụng quá mức quyền lực điều hành đám đông để đẩy khách hàng vào tính huống không đáng.
- Về mặt nhận thức giá trị thực của team building: nhiều người đánh đồng team building = vui. Do đó, nhà tổ chức đưa đội ngũ của bạn vào tình huống càng vui thì bạn càng đánh giá “đó là thành công”. Sự thiếu sót về nhận thức như thế này, vừa làm giảm hiệu quả đầu tư vừa khó kiểm soát nội dung và hình ảnh. Xem phần sau: hậu quả là gì?
- Về mặt công nghệ: quay clip đơn giản! Người hóng clip đông và nhạy! Chia sẻ nhanh chóng, kiểm soát phức tạp. Nếu bạn không muốn hình ảnh xấu của mình tràn lan. Tốt nhất hãy kiểm soát nó từ nguồn.
Hậu của của hình ảnh xấu trong team building.
Trước khi bàn về hậu quả của hình ảnh xấu, bạn có thể trả lời rằng: kế hoạch team building vừa qua có vị trí, vai trò, mục tiêu như thế nào trong dòng chảy văn hoá công ty bạn? Nó góp ích gì cho kế hoạch xây dựng một thương hiệu nhà tuyển dụng công ty bạn? Nếu chưa trả lời được rõ ràng thì chí ít, bạn nên đảm bảo rằng sự kiện team building không ảnh hưởng xấu đến tổng thể công ty.
Vào năm 2008, tập đoàn F.. đã từng phải ra tay xử lý một sự cố về hình ảnh trong sự kiện kỷ niệm 20 thành lập. Khi hai nhân vật của tập đoàn múa khoả thân trên sân khấu. Sau đó 3 năm, vào dịp kỷ niệm 17 tuổi của một công ty công nghệ khác… họ cũng gặp phải một “tai nạn văn hoá” khi clip quay cảnh 3 đôi nam nữ tụt cởi đồ thô thiển trên sân khấu.
Bạn nghĩ đó là vui ư? Bạn nghĩ đó là sáng tạo ư? Bạn nghĩ đó là sân khấu của riêng công ty bạn, muốn làm gì thì làm ư? Nhưng giới truyền thông không nghĩ vậy, những ứng viên tương lai công ty bạn không nghĩ vậy, khách hàng, đối tác của bạn không nghĩ vậy, cổ đông công ty không nghĩ vậy.
Trong quá trình tổ chức team building nhiều năm qua, chúng tôi chỉ thấy đúng một công ty/ngân hàng của Nhật – là khách hàng của chúng tôi đã có 1 điều khoản sau trong hợp đồng: Bên B không được cung cấp, phát tán bất cứ hình ảnh, video nào về bên A trong sự kiện cho bên thứ 3 dưới mọi hình thức. Vâng, người Nhật có những điều tuy nhỏ, nhưng chúng ta đáng học biết bao.
Tôi không có ý muốn “chửi”, muốn đả kích thù những chiêu trò tẻ nhạt, phản cảm kia. Tôi chỉ muốn đóng góp rằng team building là một phần văn hoá doanh nghiệp của bạn. Là một người phê duyệt dịch vụ team building, là một giám đốc nhân sự… anh chị hãy nghĩ xa hơn, sâu sắc hơn và đòi hỏi nhiều hơn: “vui phải có văn hoá”.
Nguyễn Bá Tùng Chuyên gia Team Building từ Kenh14.vn